Ngành gỗ bỏ quên nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng !

Ngành gỗ bỏ quên nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng


Thị trường truyền thống của ngành gỗ xuất khẩu trong nước là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Thậm chí khi sức tiêu thụ tại các thị trường sụt giảm trầm trọng do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, nhà cung cấp trong nước vẫn cứ nhất quyết bám trụ mà không đặt ra mục tiêu mở rộng thị trường mới.
Theo Chủ tịch hiệp hội Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP HCM (HAWA) Nguyễn Chiến Thắng trong cuộc họp về xuất khẩu gỗ hôm 16/4, trong thời gian qua các doanh nghiệp trong ngành gỗ xuất khẩu đã quá tập trung vào những thị trường truyền thống mà bỏ quên những thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt là không hề kém phần hấp dẫn. Sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam không thiếu thị trường.

Theo Chủ tịch HAWA, 3 thị trường mới là Nga, Ấn Độ, Trung Á đang hứa hẹn sức tiêu thụ tốt đối với các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Trong đó, hai thị trường Ấn Độ và Trung Á, các doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu trong nước cần đặc biệt đẩy mạnh quan hệ thương mại.
Không ít doanh nghiệp theo phản xạ đã lập tức tỏ ra lo ngại rằng việc tiếp cận thị trường Ấn Độ sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt về mẫu mã, giá cả. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Ở Ấn Độ, nhiều ngành công nghiệp như công nghệ phần mềm xuất khẩu, thực phẩm chế biến, may mặc, giày da và nhiều lĩnh vực xuất khác rất phát triển. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Ấn Độ không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu người dân trong nước. "Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhiều hơn thị trường béo bở này", ông Thắng nhấn mạnh.
Các nước cộng hòa Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan với những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng phát triển nên nhu cầu về các sản phẩm đồ gỗ là rất lớn. "Thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu là những thị trường này không quá khắt khe, yêu cầu về mẫu mã, chuẩn mực hàng hóa không ở mức cao như những thị trường khó tính khác", ông Thắng nhìn nhận.
Cũng theo ông Thắng, thị trường Nga là mặc dù rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ có phần khó tiếp cận vì vướng phải những vấn đề về thủ tục thanh toán và ngoại ngữ.
Tuy nhiên, vấn đề thị trường chưa thực sự là trở ngại lớn nhất hiện nay bằng chính sự thiếu hỗ trợ, gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Thậm chí doanh nghiệp trong ngành tìm cách "sát hại" lẫn nhau.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty chế biến gỗ Việt Đức (Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết: Ngoài vấn đề thị trường bị thu hẹp, không tìm được đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thì một phần tự các doanh nghiệp "giết" nhau. 
Các doanh nghiệp trong ngành khi có cơ hội là thẳng tay chèn ép nhau. Đơn giá sản phẩm có khi giảm chỉ còn 1/2 giá trị ban đầu đối tác đưa ra. Đầu vào nguyên vật liệu cũng không ngoại lệ. Đặc biệt vào thời điểm sốt hàng, gỗ nguyên liệu nhập về không đủ đáp ứng cho doanh nghiệp gia công thì các doanh nghiệp trong ngành tìm cách phá nhau, đẩy giá mua nguyên vật liệu lên cao gấp rưỡi, gấp đôi bình thường. 
Đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ xuất khẩu cũng nêu lên vướng mắc khó gỡ ở các khâu chứng minh xuất xứ, chứng chỉ rừng, chuẩn mực hàng hóa "Những vấn đề này phải có sự hỗcan thiệp từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền và phải được hỗ trợ từ cơ chế chính sách", Giám đốc một doanh nghiệp gỗ xuất khẩu tại TP HCM nhìn nhận.